Cây gừng là loại cây gia vị quen thuộc với chúng ta, phần thân rễ (củ) là một vị thuốc dân gian được sử dụng kết hợp nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh. Ngay sau đây, 2khoe xin cung cấp thông tin và công dụng của cây trong chữa bệnh đến bạn đọc qua bài viết dưới.
Cây gừng là gì
Còn có tên gọi khác là sinh khương, can khương, bào khương. Tên tiếng Anh là Zingiber (Anh), tiếng Pháp là Gingembre, Amome des Indes. Tên khoa học là Zingiber officinale Rose, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae).
Gừng là một loài thực vật hay được dùng làm gia vị, thuốc. Nó thuộc cây thân thảo, cao khoảng 1m. Thân rễ nạc, phát triển thành củ, phân nhánh xòe ra giống hình bàn tay, màu vàng nhạt, có mùi thơm cay. Lá mọc so le, hình mác, có gân giữa hơi trắng nhạt, không có cuống, khi vò lá có mù thơm.
Trụ hoa dài khoảng 20cm, mang cụm hoa hình bông, mỗi cụm có nhiều hoa mọc sít nhau. Hoa màu vàng xanh, mép cánh hoa màu tím, nhị cũng màu tím. Đài hoa dài 1cm, có 3 răng ngắn, 3 cành hoa dài 2cm. Quả mọng.
Dược liệu: Là phần củ gừng không có hình dạng nhất định, phân nhánh, dài 3-7cm, dày chừng 1cm. Mặt ngoài có màu vàng nhạt hoặc màu trắng tro, có đốt tròn và vết nhăn dọc. Vết bẻ có màu trắng tro hoặc ngả vàng, có bột, vân tròn rõ. Mặt cắt ngang có sợi thưa và nhiều chấm sáng.
Phân bố và thu hái cây gừng
Cây được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ Đông Á đến các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, trong đó Nhật Bản là nước trồng gừng nhiều nhất thế giới và được xem như một loại cây gia vị. Ở Việt Nam, cây được trồng khắp cả nước, từ vùng núi đến đồng bằng để lấy củ.
Hoa gừng Ấn Độ
Gừng tươi thường được đào tươi vào mùa hạ và thu, Cắt bỏ lá và rễ con, muốn dùng gừng tươi (sinh khương) thì cho vào chậu và phủ đất lên, khi dùng thì đào lên rửa sạch. Còn dùng gừng khô (can khương) thì đào củ vào mùa đông, cắt bỏ lá, rễ, rửa sạch và phơi khô.
Thành phần hóa học của gừng
Gừng có chứa 2-3% tinh dầu, 5% chất nhựa dầu, 3,7% chất béo, tinh bột và các chất cay như zingeron, zingerola và shogaola.
Trong tinh dầu có thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: ampha curcumenen 17%, beta zingiberen 35%, beta farnesen 10% và một lượng nhỏ hợp chất alcol monoterpenic như geraniol, linalool, borneol. Ngoài ra còn có ampha camphen, beta pheladren, eucalyptol và các gingerol. Nhựa dầu có 20-25% tinh dầu và 20-30% các chất cay.
Theo đông y, gừng có vị cay, tính ôn, có tác dụng tiêu đờm, giải cảm, chữa ho, chân tay lạnh và kích thích tiêu hóa.
Tác dụng chữa bệnh của cây gừng
1. Chữa cảm cúm, đau đầu, ngạt mũi
Lấy 12g gừng tươi, 12g phòng phong và 8g tô diệp, sắc lấy nước uống trong ngày.
2. Chữa tiêu chảy, sôi bụng đau thắt
Dùng 20g gừng nướng, giã nát, rang và bọc vào miếng vải, đắp lên rốn, để trong 2-3 giờ.
3. Chữa tay chân lạnh, mạch yếu muốn tắt
Cho 12g sinh khương và 12g bán hạ, đun lấy nước uống.
4. Điều trị cảm sốt, đau mỏi khắp người
Lấy gừng tươi giã nát, xào cùng một chút rượu trắng rồi đánh gió khắp người, xát vào chỗ đau mỏi, làm 2 lần trong ngày.
5. Trị hen suyễn
Lấy 15g sinh khương, 35g bán hạ chế sắc cùng 3 bát nước cho đến khi còn 2 bát, chia ra uống 3 lần trong ngày.
6. Chữa đi tả ra nước
Dùng 1 lượng vừa đủ gừng khô, tán bột mịn, mỗi lần lấy 3-5g hòa với nước cơm rồi uống, ngày 2 lần.
7. Điều trị huyết áp thấp
Lấy gừng tươi hoặc gừng khô hãm lấy nước uống hàng ngày, nhất là khi đói.
8. Giảm đau, kháng viêm
Giã nát củ gừng tươi đã rửa sạch, hãm lấy nước uống, còn dùng bã gừng đắp lên, hoặc ngâm tay, chân vào nước gừng loãng mỗi tối trước khi ngủ 15-20 phút để chữa chứng viêm khớp.
9. Chữa cảm lạnh, hạ sốt
Lấy lá gừng, lá tre, lá hương nhu, lá tía tô, lá sả,… nấu nước rồi chùm chăn kín để xông cho ra mồ hôi.
10. Chữa mất tiếng, khàn tiếng
Giã nhuyễn gừng tươi và củ cải trắng, vắt lấy nước cốt uống 2-3 lần trong ngày.
11. Chống say xe
Nhai 1 lát gừng cùng với chút muối trước khi lên xe khoảng 30 phút. Cảm giác bị say xe sẽ không còn nữa.
12. Chữa mất ngủ
Giã nát gừng rồi pha với nước ấm cùng một chút muối rồi ngâm chân trong nước 10-15 phút. Khi đó bàn chân ấm sẽ giúp có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
13. Đi đại tiện ra máu
Lấy củ gừng khô nướng cháy, tán bột mịn, mỗi lần dùng 2-4g uống với nước cơm. Ngày uống 3-5 lần.
14. Cầm nôn mửa, làm ấm dạ dày
Lấy 12g sinh khương và 12g bán hạ sắc lấy nước uống trong ngày.
15. Đái ra máu, thổ huyết do chứng hư hàn
Dùng gừng khô đốt tồn tính, nghiền bột mịn, mỗi lần lấy 2-4g uống cùng với nước ấm.
16. Trị băng huyết
Lấy 8g can khương, 12g ô mai, 12g tông bì, đem đốt thành tro, nghiền mịn, uống với nước.
17. Chữa ho hen do khí lạnh vào phổi
Lấy 4g can khương, 12g phục linh, 4g cam thảo, 4g ngũ vị tử, 2g tế tân, sắc lấy nước uống.
18. Chữa đau bụng do lạnh
Lấy 8g gừng nướng, 12g riềng sao vàng, củ sả sao vàng và búp ổi sao vàng, sắc với 500ml nước cho đến khi còn 200ml, chia uống 3 lần trong ngày.
19. Giảm triệu chứng buồn nôn cho mẹ bầu
Dùng 20g gừng tươi giã nát hoặc 8g gừng khô tán bột, pha với nước nóng và thêm 1 chút đường để uống.
20. Trị trúng gió, tay chân tê
Lấy 40g gừng sống giã nát, cho thêm 1 nước vào rồi vắt lấy nước cốt hòa với 80 cc đồng tiện và uống khi còn ấm.
21. Chữa trào ngược dạ dày
Lấy gừng tươi, rửa sạch, thái miếng cho vào lọ thủy tinh. Rồi đổ ngập giấm hoặc mật ong và ngâm trong 1 tuần. Sau mỗi bữa ăn, lấy 2-3 lát gừng rồi ngậm, ngậm liên tục trong 1 tuần.
22. Chữa loét miệng
Dùng gừng tươi đun lấy nước, súc miệng nước gừng khi còn ấm, 2-3 lần trong ngày, làm liên tục 3 ngày sẽ khiên vết loét giảm đáng kể.
23. Trị mụn
Lấy gừng, sả và vài lát chanh đun lấy nước, rồi chùm khăn xông mặt để thư giãn và cũng làm sạch sâu bên bụi bẩn dưới da.
24. Trị hôi chân
Pha dấm và muối vào nước sắc gừng tươi còn ấm, rồi ngâm chân trong 15 phút. Thực hiện đều đặn mỗi ngày, mùi hôi ở chân sẽ nhanh biến mất.
25. Hỗ trợ giảm cân
Cho một vài lát gừng mỏng vào cốc trà ấm, thêm mật ong và chanh, rồi uống vào mỗi sáng trước khi ăn sáng vừa giảm cân vừa giúp tinh thần thoái mái hơn.
Lưu ý khi dùng gừng
- Nếu đang dùng thuốc aspirin và coumarin thì phải dùng gừng cách xa 4 giờ, tránh dùng chung.
- Không dùng gừng khi bị cảm nắng, sốt cao không lạnh, vã mồ hôi.
- Không dùng quá nhiều gừng, nhiều ngày liên tiếp cho người bị tiểu đường, bệnh tim, phụ nữ có thai.
- Gừng bị dập hỏng có một loại chất cực độc là safrol, chất này có khả năng làm biến tính, hủy hoai tế bào gan dẫn đến ung thư gan.
Những bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, trước khi áp dụng người bệnh nên hỏi ý kiến của thầy thuốc.