Đỗ Xuân Quang hiện là chủ của một Công ty Luật đặt mua củ cây đinh lăng từ 10 năm tuổi về biếu đối tác. Anh tìm hiểu một hồi trên các trang mạng, hỏi thăm mối người quen gọi điện đặt trước nhưng đã 2 tháng qua vẫn vẫn chưa có hàng. Đinh lăng ngày càng trở nên khan hiếm mà giá lại đắt đỏ.
Không chỉ mình củ, mà toàn bộ cây cả rễ, thân, cành, lá và hoa đinh lăng đều có những lợi ích nhất định thiết thực trong cuộc sống. Nội dung bên dưới đây, Caythuocdangian.com mời bạn đọc tìm hiểu thêm về đặc điểm, tác dụng và cách sử dụng loại thảo dược này.
Những câu chuyện thú vị về cây đinh lăng
Tiếp tục câu chuyện của anh Quang, anh là sếp của Công ty Luật có 30 nhân viên, hàng ngày phải đi gặp gỡ trao đổi với nhiều khách hàng. Trong đó có những đối tác thân quen lâu năm rất thân thiết, anh muốn mua quà tặng họ mỗi dịp lễ.
Tuy nhiên, lựa chọn sâm hay tam thất lại phổ biến quá, không có tính độc và lạ.
Tìm hiểu một hồi trên mạng được biết đinh lăng cũng là một loại thảo dược quý, càng lâu năm dược tính càng cao, loại trên 10 năm còn tốt hơn sâm, có tác dụng tăng cường sinh lý cho nam giới vì vậy anh quyết định tìm mua.
Thế nhưng chỉ toàn cây vài năm tuổi, chứ trên 10 tuổi rất hiếm phải đặt trước vài tháng. Hàng bán chỉ có 1 mà người mua thì hàng trăm.
Một trường hợp khác tại Ba Vì Hà Nội, gia đình chú Ngọc có vài gốc đinh lăng đã 15 năm tuổi. Nhớ ngày mấy đứa nhỏ còn đi học cây đã mọc tốt tươi, giờ các con đã lập gia đình sinh cháu hết rồi.
Chú Ngọc đào củ đinh lăng lên ngâm rượu uống, mỗi lần có khách đến chơi nhà lại rót ra vài chén mời, trông rất lịch sự và nâng tầm.
Không may mắn như chú Ngọc là trường hợp chú Kiên ở Thanh Hóa, nhà cũng có vài gốc đinh lăng đã 16 tuổi. Người ta vào mua trả cả vài chục triệu nhưng không bán, chú muốn để đó trồng lấy lá và thân, củ thì khi nào cần mới đào lên.
Nhưng khổ nỗi ở quê vườn không nhà trống, không có tường rào chắn, nhân cơ hội lúc vắng nhà người ta vào đào trộm sạch. Chú tiếc quá và nói: Biết thế tao đào ngâm rượu luôn!
Cẩn thận trước giá bán đinh lăng
Mặc dù đinh lăng có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe. Từ xa xưa cha ông ta đã dặn dò nên trồng vài gốc đinh lăng quanh nhà phòng khi cần, thì quả thực “Điều đó không ngoa” nếu không tốt chắc chắn không có tin truyền đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu của thị trường, nhiều thương lái đã thổi phồng về tác dụng dược tính của loại cây này khiến giá thành tăng vọt. Có những chỗ bán đến vài chục triệu cho 1kg củ đinh lăng trên 10 năm tuổi.
Việc biết được độ tuổi của một cây đinh lăng là rất khó, chỉ những người có kinh nghiệm mới nhìn ra. Vì vậy, Caythuocdangian.com xin cảnh báo bạn đọc đừng tin vào lời đồn mà chi số tiền quá lớn cho loại thảo dược này nhé.
Cây Đinh Lăng là gì
Cây đinh lăng còn được gọi là nam dương sâm hay cây gỏi cá. Tên khoa học Polyscias fuiticosa (L) Harms, thuộc dòng họ ngũ gia bì Araliaceae. Chúng tay dùng rễ, vỏ, thân và lá sấy khô hoặc phơi khô, củ có thể dùng khô hoặc tươi tùy ý.
Đặc điểm cây đinh lăng
Đinh lăng có tên gọi khác là cây gỏi cá là vì thường được dùng khi ăn với gỏi cá, là một loại cây nhỏ, thân mịn nhẵn, không có gai, cao khoảng từ 0.8m đến 1.5 m.
Lá của cây là lá kép có xẻ 3 lần hình lông chim, không có lá đính kèm rõ. Cuống lá nhỏ, gầy dài từ 3mm đến 10mm, phiến lá có hình răng cưa, không đều nhau, có mùi thơm.
Hoa của Đinh lăng có chùy ngắn từ 7mm đến 18mm gồm nhiều tán, mang nhiều hoa. Tràng hoa 5, nhị 5 với chỉ nhị nhỏ gầy, bầu hạ ngăn 2 có dìa màu trắng nhạt. Quả nhỏ dài dẹt, chiều dài khoảng 2mm đến 4mm độ dầy 1mm có vòi.
Phân bố, thu hái và chế biến cây đinh lăng
Cây Đinh Lăng được trồng phổ biến ở nước ta đặc biệt là các tỉnh miền núi. Ngoài ra mọc nhiều ở Lào và tỉnh biên giới Trung Quốc. Trước đây chủ yếu được dùng làm cảnh và làm rau thơm trong các bữa ăn.
Gần đây có nhiều nghiên cứu khoa học cũng như thực nghiệm đã phát hiện ra nhiều tác dụng tốt của đinh lăng. Thường sử dụng rễ củ bằng cách đào lên, rửa sạch rồi sấy khô hoặc phơi khô.
Thành phần hóa học cây đinh lăng
Cây có rất nhiều các thành phần hóa học bên trong bao gồm các Alcaloit, Vitamin B1, Saponin (có nhiều trong sâm), Flavonoit, Glucozit, Tanit và các Axit amin trong đó có Methionin, Lyzin và Xystei là những loại axit amin cực kỳ quan trọng.
Cây đinh lăng có mấy loại
Có tất cả 7 loại, có thể phân biệt bằng đặc điểm hình dạng như sau:
Đinh lăng lá nhỏ
Tên khoa học Polyscias fruticosa, các tên khác là đinh năng nếp, sâm nam dương, gỏi cá.
Là loại phổ biến chính là loại được đề cập ở mục “Đặc điểm” bên trên, khi nhắc nhắc đến đinh lăng thì đa số mọi người hình dung hình ảnh đều là về loại này. Chủ yếu dùng lá làm gia vị hoặc thân rễ làm thuốc.
Đinh lăng lá to
Tên khoa học là Polyscias filicifolia, các tên gọi khác như đinh lăng lá lớn, đinh lăng tẻ hay đinh lăng ráng. Loại này khá hiếm, lá to, có hình thuôn dày hơn loại lá nhỏ.
Đinh lăng lá tròn
Tên khoa học là Polyscias balfouriana, còn gọi tên khác là đinh lăng vỏ hến. Có dáng to, lá hình tròn giống như tên gọi, xen kẽ màu xanh và trắng rất hài hòa, đẹp mắt, chủ yếu được trồng làm cảnh.
Đinh lăng đĩa
Loại cây có dáng to, rất ít người biết tới, thường được trồng làm cảnh.
Đinh lăng lá răng
Lá xé răng cưa, có bản tròn, bán nhiều ở các cửa hàng cây cảnh dùng trang trí trong nhà.
Đinh lăng lá bạc
Tên khoa học là P. guilfoylei var. lacinata, tên gọi khác là đinh lăng trổ, đinh lăng viền. Có hình dáng gần giống với loại lá răng, chỉ có một điểm khác dễ phân biệt là viền lá có màu trắng rất nổi bật, đường trồng làm cây cảnh bonsai.
Đinh lăng lá vằn
Tên khoa học là Polyscias guilfoylei, loại này có lá rất đẹp giống như những cánh hoa, rất hiếm gặp.
Tác dụng dược lý cây đinh lăng
Các nhà khoa học, dược lý học và dược liệu đã nghiên cứu các tác dụng đinh lăng. Bao gồm khả năng làm tăng sức khỏe và sức dẻo dai của cơ thể. Cùng nhiều tác dụng khác như:
Nước rễ cây đinh lăng
- Có tác dụng làm tăng sức khỏe, dẻo dai của cơ thể người dựa vào thì nghiệm cấp tính tương đồng như cây nhân sâm.
- Với số lượng 0.1 ml cao lỏng cây đinh lăng cho 20 gam thể trọng sống làm giảm sức hoạt động của chuột nhắt.
- Cây Đinh Lăng có tác dụng trực tiếp lên cơ tim ếch làm cô lập (phương pháp Straub) với liều lượng nhất định để làm giảm thiểu trương lực cơ tim. Làm tim co bóp yếu đi, thưa và dẫn đến tim ngừng đập.
- 0.2 đến 1% dung dịch nước rễ đinh lăng gây co mạch cô lập tai thỏ theo cách của Kravkov.
- Với dung dịch đinh lăng liều 0.5ml và với 100% đến 200%. Trên 1kg thể trọng tĩnh mạch vành tai, giúp tăng cường hô hấp về cả về biên độ và tần số làm cho huyết áp giảm xuống tạm thời.
- Tại chỗ trên tử cung, với dung lượng 1 ml chất cao đinh lăng 100% cho 1kg thể trọng tiêm tĩnh mạch vành tai giúp tăng co bóp nhẹ tử cung.
- Tăng gấp trên 5 lần đường tiết liệu so với bình thường khi sử dụng đinh lăng với liều uống 2ml dung lượng dung dịch 100% cho 100g thể trọng. Đã được áp dụng trên thì nghiệm chuột bạch.
Liều độc
- Đinh lăng khá là an toàn, so với nhân sâm thì ít độc hơn. Đã có nhiều thí nghiệm về độ độc loại cây này thì chủ yếu gây ra các thương tật trên nội tạng ở gan, tim, não, thận rồi cuối cùng chết. Liều độc tiêm phúc mạc DL50 của nhân sâm là 16,5g/ kg, tuy nhiên độc tiêm phúc mạc DL50 của đinh lăng là 32,9g/kg, của ngũ gia bì (Eleutherococcus) là 14.5g/kg. Điều đó chứng tỏ độ độc tố của cây đinh lăng rất ít, có nhiều thí nghiệm đối với chuột với 50g/kg tuy nhiên chuột vẫn bình thường.
- Độc tính được diễn ra xung quanh tại gan, phổi, dạ dầy, tim, ruột. Gây rối loạn dinh dưỡng đối với thận, gan, tim. Trước lúc chết có biểu hiện ỉa chảy, mệt mỏi, sụt cân, kém ăn.
- Làm tăng sức đề kháng của chuột thí nghiệm đối với các tia xạ tầng cao, và siêu cao tần. Có tác dụng làm tăng tuổi thọ hơn so với ngũ gia bì Eleutherococcus, ba kích, đương quy. Đây là các chất bổ sung chung, tuy nhiên còn có thể do sự điều chỉnh của cơ chế điều nhiệt của đinh lăng.
- Xavaev và Ngô Ứng Long đã cho biết cây có tác dụng tích cực đối với các nhà phi hành gia, áp dụng tốt trong khi tập luyện tư thế đầu dốc người và tĩnh. Đối với con người, bột rễ đinh lăng làm tăng khả năng vận động, thể dục thể thao.
Công dụng và liều dùng cây đinh lăng
Trong quá trình nghiên cứu của Viện y học quân sự cho thử nghiệm trực tiếp trên người với 0.23gam đến 0.5 gam bột đinh lăng trên ngày dưới dạng thuốc ngâm rượu nhẹ hoặc sắc lên để uống. Kết quả nhận được là sức khỏe tăng hẳn lên, tăng sức dẻo dai như thí nghiệm đã nghiên cứu.
Trên thực tế ngoài công dụng ăn làm rau thơm, ăn với gỏi cá, làm nem chua, mọi người còn dùng đinh lăng để chữa ho ra máu, thông tiểu, kiết lỵ nặng, ho, thông sữa. Ở Ấn độ loại cây này còn được chữa sốt và làm đẹp cho da (làm săn da).
Đinh lăng chữa bệnh gì
1. Chữa bệnh lười hoạt động, mệt mỏi
- Rễ đinh lăng phơi khô, thái mỏng đủ 15g
- Sắc với 300ml nước, đun phải sôi khoảng 15 phút
- Chia ra uống 2 hoặc 3 lần trong ngày.
2. Trị tắc tia sữa, căng vú sữa
- Rễ đinh lăng khoảng 30 – 40g
- Sắc với 500ml nước đến khi còn 250ml
- Uống khi nước còn ấm ngay sau khi sắc
- Uống liền 2-3 ngày để chữa bệnh nhức vú, sau đó sữa có thể chảy bình thường.
Hoặc dùng bài thuốc sau:
- Rễ đinh lăng 40g và gừng tươi 3 lát
- Đun sôi với 500ml nước đến khi còn 1 nửa
- Chia ra uống 2 lần trong này khi còn nóng.
3. Chữa lành vết thương, trị sưng đau cơ khớp
- Giã nát lá đinh lăng đắp đều lên vết thương sẽ mau chóng lành
- Nhớ ngày xưa mỗi lần bị chạy máu, các cụ thường lấy 1 ít lá đinh lăng bánh tẻ nhai nhỏ rồi đắp lên
- Chỉ một lát sau đã ngừng chảy máu, vết rách khép lại.
3. Trị phong thấp gây tê nhức tay chân, đau mỏi lưng gối
- Dùng thân và cành đinh lăng từ 20g đến 30g
- Có thể kết hợp thảo dược khác mỗi vị 10g gồm rễ xấu hổ, lá lốt, bưởi bung và cúc tần
- Sắc với 600ml đến khi còn 300ml, chia ra uống 3 lần trong ngày.
4. Chữa chứng thiếu máu
Bài thuốc:
- Rễ đinh lăng: 100g
- Hoàng tinh: 100g
- Thục địa: 100g
- Hà thủ ô: 100g
- Tam thất: 20g
Cách dùng:
- Tất cả mang tán bột trộn đều
- Mỗi ngày lấy ra 100g sắc uống.
5. Trị sốt lâu ngày gây ho, khát, nhức đầu, nước tiểu vàng, đau tức ngực
Bài thuốc:
- Đinh lăng tươi (rễ và cành): 30g
- Vỏ quýt: 10g
- Chanh (vỏ hoặc lá): 10g
- Lá tre tươi: 20g, 20g rễ cành lá
- Sài hồ (rễ, cành và lá): 20g
- Rau má tươi: 30g
- Chua me đất: 20g
- Cam thảo dây (hoặc cam thảo đất): 30g
Cách dùng:
- Tất cả cắt nhỏ, cho vào ấm đổ đầy nước, ấn chặt, sắc đến khi còn 250ml
- Chia ra thành 3 lần uống trong ngày.
6. Trị liệt dương
Bài thuốc:
- Rễ đinh lăng: 12g
- Ý dĩ: 12g
- Hoài sơn: 12g
- Hà thủ ô: 12g
- Hoàng tinh: 12g
- Long nhãn: 12g
- Kỷ tử: 12g
- Cám nếp: 12g
- Cao ban long: 8g
- Trâu cổ: 8g
- Sa nhân: 6g
Cách dùng:
- Tất cả thành một tháng sắc thuốc uống.
7. Giúp bồi bổ cơ thể, trị chứng dị ứng
- Lấy 150-200g lá đinh lăng tươi cho vào 200ml nước đang sôi, đun cho sôi lại rổi mở nắp đảo đều.
- Khoảng 5-7 phút chắt lấy nước uống.
- Phần bã còn lại cho thêm 200ml nước nữa nấu sôi tiếp và uống.
8. Bồi bổ sức khỏe cho sản phụ, người mới ốm dậy
Phụ nữ sau sinh nở và người mới ốm dậy cơ thể còn yếu, có thể dùng lá đinh lăng nấu canh thịt hoặc cá để bồi bổ, có tác dụng như nhân sâm nhưng an toàn hơn.
Cách làm là lấy 200g lá tươi, rửa sạch để ráo nước.
Khi nấu canh thịt hoặc cá bỏ lá đinh lăng sau cùng sao cho chín tới là được, không để sôi quá lâu vì bị mất chất, ăn ngay khi còn nóng.
9. Phòng chứng co giật ở trẻ em
Lá đinh lăng cà già lẫn non phơi khô, nhét vào gối hoặc trải trên giường cho bé nằm.
Cách này giúp trẻ ngủ ngon, không bị giật mình và ra mồi hôi.
10. Trị chứng ho lâu ngày không dứt
Bài thuốc:
- Rễ đinh lăng: 8g
- Nghệ vàng: 8g
- Rễ cây dâu: 8g
- Đậu săng: 8g
- Bách bộ: 8g
- Rau tần dày lá: 8g
- Củ xương bồ: 6g
- Gừng khô: 4g
Cách dùng:
- Sắc với 600ml nước đến khi còn 250ml
- Chia ra uống 2 lần trong ngày lúc còn nóng.
11. Trị bệnh gout, đau lưng, tê khớp, mỏi gối
Lấy 20-30g thân cành đinh lăng (có thể bổ sung các vị như cúc tần, xấu hổ và cam thảo dây) mang sắc nước chia ra uống nhiều lần trong ngày.
12. Trị chứng mất ngủ
Bài thuốc:
- Lá đinh lăng: 24g
- Lá vông: 20g
- Tang diệp: 20g
- Liên nhục: 16g
- Tâm sen: 12g
Cách dùng:
- Sắc với 400ml nước tới khi còn 150ml
- Chia ra uống 2 lần trong ngày
- Cách này rất tốt cho người mắc chứng mất ngủ lâu ngày khiến tinh thần mệt mỏi, uể oải và mất tập trung trong công việc.
Tác dụng làm đẹp của lá đinh lăng
Trị mụn
Dùng lá đinh lăng tươi rửa sạch sẽ để ráo nước, giã cho nhuyễn, cho vào hạt muối, dùng bã đắp lên chỗ mụn, độ 10-15 thấy khô thì rửa sạch bằng nước. Làm một lần mỗi ngày tốt nhất vào buổi tối, kiên trì 2 tuần sẽ thấy cải thiện làn da.
Làm trắng da
Có rất nhiều cách làm trắng da, trong đó dùng đinh lăng ít được nhắc tới nhưng lại khá ăn toàn. Cách làm khá đơn giản, dùng lá đun sôi lấy nước tắm.
Nhà có bồn tắm là tốt nhất, đổ nước lá vào bồn rồi ngâm mình từ 15-20 phút, khi đó các dược chất sẽ ngấm sâu vào da giúp tiêu diệt các sắc tố gây ra thâm nám, tái tạo collagen và làm trắng da.
Ngoài các công dụng kể trên, đinh lăng còn giúp hoạt huyết dưỡng não, rất tốt cho não bộ (phần này làm ta nhớ đến sản phẩm Hoạt huyết dưỡng nào cho Chapaco), ăn ngon, ngủ ngon rất tốt cho những người làm việc bằng trí óc cần tăng cường trí nhớ, hỗ trợ điều trị các bệnh như suy nhược thần kinh, rối loạn tiền đình, các bệnh về thận, tiết niệu, sỏi thận, lợi tiểu,…
Lưu ý khi dùng đinh lăng
Đinh lăng cũng giống sâm chứa nhiều Saponin, nếu dùng nhiều có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, phá vỡ hồng cầu. Vì vậy trước khi sử dụng cần tìm hiểu thật kĩ, dùng với liều lượng thấp, đúng bệnh hoăc hỏi ý kiến bác sĩ và người có chuyên môn. Không dùng cho trẻ em và phụ nữ đang mang thai.
Trên đây là toàn bộ thông tin về cây đinh lăng Caythuocdangian.com muốn truyền tải, chúng tôi không khuyến khích bạn đọc làm theo các hướng dân bên trên. Vì tất cả chỉ mang tính chất tham khảo, không có ý chẩn đoán hay điều trị bệnh, nếu cấp bách xin hãy hỏi ý kiến thầy thuốc đông y.